Doanh nhân Nguyễn Phi Vân: Người Việt có xu hướng nghĩ nhỏ, nghĩ ngắn hạn, tư duy bị đóng khung…

“Cơn bão đa chiều và phép thử thế kỷ 21 không từ một ai cả. Bạn chỉ có 2 lựa chọn: một là nhấn nút F5 tái tạo lại bản thân, hai là để mặc cho bản thân bị mắc kẹt vào quá khứ. Lựa chọn là của bạn. Trách nhiệm là ở bạn. Đừng bao giờ đổ thừa ai. Và “Mở cửa tương lai” là quà tặng tôi dành cho bạn trong mớ hành trang đầu tiên bước đến tương lai.” – Nguyễn Phi Vân bày tỏ.

Là một người làm việc và trải nghiệm hơn 60 quốc gia, chuyên gia nhượng quyền Nguyễn Phi Vân đau đáu trước những vấn đề mà bạn trẻ và cả bạn không còn trẻ tại Việt Nam hay mắc phải, điều này khiến họ không có sự chuẩn bị cần thiết để trở tay kịp với những thay đổi tương lai. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện sâu hơn với doanh nhân Nguyễn Phi Vân về vấn đề này.

CHÚNG TA ĐANG ĐỐI DIỆN VỚI TƯƠNG LAI VÔ CÙNG BẤT ĐỊNH 

Xin chào chị Phi Vân. Tên cuốn sách lần này của chị là “Mở cửa tương lai”, các tựa sách trước của chị như “Tôi, Tương lai và Thế giới”, “Nym – Tôi của tương lai” cũng đều có 2 chữ này. Phải chăng chị muốn gửi gắm thông điệp nào đó về tương lai đến cho độc giả?

Tất cả chúng ta đang đối diện với một tương lai vô cùng bất định. Nếu trước đây tôi hay nhắc đến chuyển động toàn cầu hoá và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như những lực đẩy chính thì giờ đây chúng ta lại còn phải đối diện với một trong những đại dịch khủng khiếp nhất trong lịch sử loài người.

Trong bối cảnh đầy rủi ro, không ai biết trước chuyện gì sẽ xảy ra, tương lai thế giới sẽ đi về đâu này, điều duy nhất mỗi người chúng ta nên làm là chuẩn bị nội lực để đối diện với những điều chưa biết, chưa từng có tiền lệ, đôi khi không liên quan gì với quá khứ và hiện tại.

Và đó cũng là lý do vì sao tôi viết rất nhiều về “tươnglai”, không phải là để dự đoán tương lai, mà là để cung cấp cho bạn đọc những kiến thức nền tảng và chia sẻ những kỹ năng hội nhập để mỗi bạn đọc sẽ chuẩn bị được cho bản thân hành trang mở cửa tương lai ấy.

Trong “Mở cửa tương lai”, chị có nói: “Hội nhập chỉ dành cho những con người linh hoạt nhất – survival of the fittest.” Chị có thể giải thích thêm về câu nói này được không?

Trong bối cảnh tương lai bất định như thế, không ai có khả năng đoán trước chuyện gì sẽ xảy ra. Tương lai bất định bỏ qua tất cả mọi sự hiểu biết của con người trong quá khứ và hiện tại. Nó mang tính gián đoạn, tái định nghĩa, thay thế một cách khá tàn nhẫn. Và tại thời điểm giao thoa này, nó chỉ cho phép tất cả chúng ta một cơ hội duy nhất, và rất giới hạn về thời gian, để tái tạo bản thân, chuẩn bị để hội nhập vào một tương lai rất khác.

Do đó, những ai còn kẹt vào hiện tại hay quá khứ, còn loay hoay với những hiểu biết và kinh nghiệm đã lỗi thời, còn khư khư vác lấy cái tôi hào quang của một thời đã qua, đã tự mình loại mình khỏi cuộc chơi của tương lai. Chỉ có những người linh hoạt nhất, khiêm tốn nhất, có khả năng re-start (tái khởi động) với tinh thần beginner (kẻ bắt đầu) mới có thể học hỏi và hội nhập vào tương lai phía trước.

Nhiều người khao khát được trở thành một phiên bản tốt nhất trong tương lai nhưng vẫn bị mắc kẹt trong những cách làm cũ, tư duy cũ. Đối với chị, những vấn đề và rào cản nào khiến người trẻ không thể đến gần tương lai?

Có 3 điều tôi thấy bạn trẻ và cả bạn không còn trẻ tại Việt Nam hay mắc phải, khiến họ không có sự chuẩn bị cần thiết hay không trở tay kịp với những thay đổi tương lai.

Điều đầu tiên phải kể đến tư duy. Chúng ta được sinh ra và lớn lên, được giáo dục trong môi trường mà mọi thứ đã bị đóng khung, theo bài mẫu và giới hạn định danh một hay vài cách tiếp cận. Điều này khiến cho người Việt dễ bị rơi vào cái bẫy “phải như vậy mới là đúng”, hay “không có cách nào khác đâu”. Khi tư duy bị đóng khung, ta không thể làm khác, nghĩ khác, và vì vậy mất luôn khả năng sáng tạo và cộng tác. Thử hỏi một con người với tư duy đóng như thế làm sao có thể hội nhập vào một tương lai của kinh tế sáng tạo và một hành trình đầy bất định?

Hai là tôi nhận thấy người Việt thường có xu hướng nghĩ nhỏ và nghĩ ngắn hạn. Cái gì có lợi trước mắt thì làm. Cái gì kiếm tiền nhanh thì làm. Cái gì cân đo ngay bằng thóc thì làm. Chúng ta thiếu đi sự đầu tư dài hạn cho những giá trị to lớn hơn, vĩ đại hơn, bùng nổ hơn. Chính vì suy nghĩ ngắn hạn nên tất cả mọi thứ tạo dựng xung quanh cuộc đời và tương lai cũng ngắn hạn; xây dựng quan hệ ngắn hạn, lợi dụng ngay, lợi dụng nhanh; hợp tác ngắn hạn, kiếm chác nhanh rồi bỏ chạy… Cách tiếp cận này làm cho chúng ta không đầu tư hay bỏ qua những chuẩn bị cho tương lai rất khác. Và khi tương lai đó hiện diện bằng sự xuất hiện với bộ mặt đầy khủng hoảng, chúng ta bàng hoàng, trở tay không kịp, tự loại mình khỏi cuộc chơi có hai chữ tương lai.

Cuối cùng, tôi thấy người Việt thiếu khả năng học cả đời. Chúng ta có thể dành trọn sự tập trung buôn chuyện lá cải trên mạng xã hội vài ba tiếng một ngày, nhưng lại không có thời gian để học một kỹ năng mới, kiến thức mới, hay đơn giản chỉ là đọc tin mới nhất về khoa học công nghệ để cập nhật bản thân. Chính sự thiếu quan tâm đầu tư vào bản thân này là nguyên do dẫn đến sự thiếu chuẩn bị cho tương lai. Và chính sự thiếu chuẩn bị cho tương lai sẽ là rủi ro lớn nhất cho mỗi cá nhân trong hành trình hội nhập.

GENZ LÀ THẾ HỆ ĐẶC BIỆT, VÌ CÁC BẠN KHÔNG NGẠI LÀ MÌNH, KHÔNG SỢ KHÁC NGƯỜI. NHƯNG… 

 Thế giới trong năm 2020 đã chứng kiến sự thay đổi liên tục do đại dịch Covid, với sự thay đổi thường xuyên từng giây, từng phút như hiện nay, điều gì sẽ giúp người trẻ Việt có khả năng cạnh tranh trong thế kỷ mới?

Covid là một phép thử rất tàn nhẫn nhưng cũng rất thực tế về mức độ linh hoạt và sự chuẩn bị nội lực đúng mức cho tất cả mọi người, từ cá nhân đến tổ chức, doanh nghiệp. Và Covid không có chế độ ưu tiên cho bất kỳ ai, người dù trẻ dù già đều bị đẩy vào phép thử này, một cách công bằng nhất. Người có thể vượt qua phép thử, hội nhập tương lai, là những người cần có 3 điều kiện: kiến thức cập nhật về sự hình thành của thế giới mới, kỹ năng hội nhập, và phẩm chất mở cửa tương lai.

Kiến thức của thế kỷ 21 không chỉ đến từ nhà trường. Học của thế kỷ 21 là học đa kênh, từ nhiều nguồn, trong đó trường học là một kênh. Những kênh còn lại là qua online, hội thảo hội nghị, đọc sách, đọc thông tin hàng ngày trên mạng, tham gia các dự án thực tế…. Ai chỉ vin vào những gì học được ở trường, sẽ trở nên cực kỳ lạc hậu. Kỹ năng hội nhập là những kỹ năng mềm quan trọng nhất của thế kỷ 21 bao gồm tư duy phản biện, khả năng sáng tạo, khả năng cộng tác và kỹ năng giao tiếp mới đa kênh. Riêng về phẩm chất mở cửa tương lai, đặc biệt trong bối cảnh Covid, thì những phẩm chất người nhất chính là chìa khoá dẫn dắt như khả năng linh hoạt, phẩm chất kiên cường không bỏ cuộc, khả năng thấu cảm, khả năng tự startup… Tất cả đều quay về với sự chịu trách nhiệm của bản thân dành cho bản thân. Thế kỷ 21 là thế kỷ của tự thân vận động.

Một số lượng lớn GenZ đã bắt đầu gia nhập vào thị trường lao động. Theo chị, những tính cách đặc thù của GenZ như đề cao thành công cá nhân, mong muốn được mọi người công nhận…sẽ là một bước tiến để các bạn bước vào tương lai hay là một rào cản? 

Tôi đặc biệt thích GenZ. Họ là một thế hệ đặc biệt, vì các bạn không ngại là mình, không sợ khác người, và do đó bày tỏ quan điểm cá nhân rất mạnh mẽ về những vấn đề chung của cộng đồng, xã hội. Các bạn là những công dân số nên rất thành thạo mạng xã hội, internet và công nghệ. Các bạn có xu hướng thích theo đuổi những đam mê, mong muốn, ý tưởng cá nhân bằng trải nghiệm cá nhân chứ không nghe lời rập khuôn như các thế hệ trước. Đây là thế mạnh để các bạn dám sáng tạo, dám làm, dám thử dám sai và qua đó xây dựng cho bản thân những trải nghiệm cá nhân rất phong phú. GenZ vì vậy cũng sẽ dễ dàng hội nhập tương lai và thế giới, vì các bạn chính là những người tạo dựng nên tương lai và thế giới ấy theo cách của mình.

Tuy nhiên, khoảng cách thế hệ giữa GenZ và các thế hệ khác là rất xa, dễ dẫn đến mâu thuẫn lớn trong cách hợp tác và đồng hành. GenZ với lợi thế công nghệ rất tức thì mọi lúc mọi nơi cũng khiến cho các bạn thiếu đi những phẩm chất mở cửa tương lai như khả năng thấu cảm, khả năng kiên cường không bỏ cuộc, khả năng cộng tác hiệu quả…. Đối với GenZ, việc tập trung rèn luyện phẩm chất mở cửa tương lai cho các bạn sẽ là vấn đề quan trọng hàng đầu nếu muốn các bạn vững tin và thành công bước vào tương lai.

Vi “Mở cửa tương lai”, chị nhấn mạnh về việc Get Ready, sau đó là Get set và Go. Đây có phải là 3 từ khóa quan trọng của cuốn sách?

Đây có thể nói là 3 từ khoá về tâm thế mà bất kỳ ai cũng cần để nhấn nút F5 – tái tạo bản thân để chuẩn bị cho thế kỷ mới. Đây cũng là 3 từ khoá dành cho bạn đọc của “Mở cửa tương lai” để chuẩn bị thái độ đón nhận những chia sẻ của tác giả qua 3 thời đoạn. Tại mỗi cánh cửa tâm thế cần mở, tác giả rất hy vọng độc giả sẽ tháo gỡ tất cả những gánh nặng hay hành trang quá khứ, giữ cho bản thân thật trong trẻo, thật mở, thật đón nhận để có thể tiếp thêm cho bản thân những nguồn năng lượng mới, lạ, không nằm trong một chiếc khung chiếc hộp đã đóng sẵn nào, và đặc biệt là rất tương lai.

Từ khi viết những cuốn sách dành cho đối tượng là những bạn trẻ, chị có dành thời gian cho việc giao tiếp với các bạn ấy không?

Tôi tương tác rất nhiều với các bạn trẻ qua nhiều kênh, từ online đến offline. Offline thì qua các event cộng đồng dành cho người trẻ. Sắp tới, nhân dịp ra mắt sách “Mở cửa tương lai”, tôi cũng sẽ dành thời gian tham gia tour giao lưu với sinh viên học sinh do Saigon Books tổ chức. Còn bình thường, tôi vẫn nhận email, tin nhắn qua Facebook của các bạn trẻ hàng ngày, đặc biệt là các bạn GenZ. Trong các tâm sự các bạn gởi về cho tôi, phần lớn là trải lòng về những vấn đề khúc mắc trong tâm trí, những hoang mang chưa có lời giải đáp, và phần lớn là do các bạn cần một người kiên nhẫn nghe các bạn tâm sự, với tâm không phán xét.

Có lẽ, xã hội quá nhanh quá nguy hiểm của hôm nay đã làm chia cách các thế hệ, đã làm tất cả chúng ta mất đi khả năng thấu cảm, sự mở lòng, sự kiên nhẫn và khả năng tiếp nhận những suy nghĩ khác biệt. Vì vậy, các bạn dù rất kết nối nhưng lại rất cô đơn, cô đơn trong chính ngôi nhà, ngôi trường, và cộng đồng của chính mình. Có lẽ đó cũng là lý do các bạn tìm đến tôi để tâm sự, đơn giản chỉ vì tôi lắng nghe không phán xét, lắng nghe đầy thấu cảm, dù câu chuyện của các bạn có là gì.

Chị đã trải qua những cung bậc cảm xúc nào khi viết “Mở cửa tương lai?” Thường thì, chị có biết mình sẽ viết gì tiếp theo không?

Tôi thường chỉ viết khi nhìn thấy, lắng nghe, cảm nhận được những vấn đề xã hội. Có thể nói, tôi không phải là tác giả văn học, mà là tác giả xã hội. Vì vậy, tôi chỉ viết khi vấn để xã hội đủ mạnh mẽ, đủ làm tôi ăn không ngon ngủ không yên, làm tôi thao thức trả lời tin nhắn của những bạn trẻ không quen biết, không chỉ từ khắp Việt Nam mà còn là nhiều bạn trẻ Việt đang sinh sống và học tập khắp thế giới. Và đó cũng là bối cảnh của “Mở cửa tương lai”, khi xuất hiện thêm thế lực thứ 3 là Covid, ngoài sự chuyển động toàn cầu và cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang tạo ra sự bất định vô chừng cho tương lai phía trước.

Tôi nhận thấy qua nhiều tương tác, là cả phụ huynh và các bạn trẻ đều rơi vào hoang mang không biết phải định hướng tiếp theo thế nào, cần chuẩn bị ra sao để còn liên quan trong sự gạn lọc và phép thử khắc nghiệt hiện nay. Và tôi viết, bằng tình yêu thương và tâm không phân biệt của một người vẫn hàng ngày khiêm tốn học hỏi, thay đổi và cập nhật bản thân không ngừng nghỉ.

Qua cuốn sách này, chị muốn nhắn nhủ gì đến bạn đọc?

Cơn bão đa chiều và phép thử thế kỷ 21 không từ một ai cả. Bạn chỉ có 2 lựa chọn: một là nhấn nút F5 tái tạo lại bản thân, hai là để mặc cho bản thân bị mắc kẹt vào quá khứ. Lựa chọn là của bạn. Trách nhiệm là ở bạn. Đừng bao giờ đổ thừa ai. Và “mở cửa tương lai” là quà tặng tôi dành cho bạn trong mớ hành trang đầu tiên bước đến tương lai.

Trong thời gian này, điều gì làm chị hạnh phúc nhất?

Hạnh phúc đối với tôi rất đơn giản. Khi nhận được một lời cám ơn, một tin nhắn của ai đó không quen biết về sự thay đổi tích cực của họ sau khi đọc sách, đọc bài trên FB cá nhân, hay sau khi nghe tôi chia sẻ tại các diễn đàn. Hạnh phúc là cho đi, và chưa bao giờ mong nhận lại.

Doanh nhân Nguyễn Phi Vân tốt nghiệp MBA tại Úc. Chị có hơn 20 năm kinh nghiệm lãnh đạo cao cấp về quản trị thương hiệu, bán lẻ và nhượng quyền tại các khu vực thị trường đang phát triển như châu Á, Trung đông, châu Phi, và Đông Âu.

Hiện tại, Nguyễn Phi Vân đang là đồng sáng lập tập đoàn World Franchise Associates, chủ tịch công ty Retail & Franchise Asia, và đầu tư vào nhiều startup khác nhau tại châu Á. Chị cũng giữ các vai trò cố vấn như cố vấn nhượng quyền cho chính phủ Malaysia và Saudi Arabia, tổ chức các lãnh đạo marketing châu Á Thái Bình dương, chủ tịch CLB Đầu tư thiên thần Việt Nam, cố vấn dự án 844 – Xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam đến năm 2025, và chủ tịch hội đồng cố vấn Saigon Innovation Hub.

Nguyễn Phi Vân còn là tác giả của các cuốn sách: Quẳng gánh băng đồng ra thế giới, Tôi, Tương lai & Thế giới, Tôi đi tìm tôi, ‘Nym – Tôi của tương lai” và sắp tới là “Mở cửa tương lai”- một cuốn sách cung cấp những kiến thức, thái độ, phẩm chất để người trẻ Việt Nam có thể bắt kịp sự thay đổi trong tương lai của thế giới 4.0.

                                                                                                                                                                    St Trúc An (thực hiện)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *